,

Tin trong nước

Hiệu ứng lan tỏa, động lực mạnh mẽ cho 'giai đoạn tốt nhất' của quan hệ Việt Nam-Trung Quốc

Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của một lãnh đạo cấp cao Việt Nam sau khi hai bên tuyên bố xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại.

Hôm nay, 7/4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam bắt đầu chuyến thăm chính thức Trung Quốc, theo lời mời của Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc Triệu Lạc Tế.

Đưa quan hệ Việt Nam-Trung Quốc đi vào chiều sâu, thực chất, nâng cao tiếng nói Việt Nam với quốc tế
Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới Trung Quốc từ ngày 7-12/4 là một hành động cụ thể nhằm duy trì trao đổi cấp cao giữa hai nước láng giềng núi sông liền một dải…

Đây là chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới Trung Quốc trên cương vị người đứng đầu cơ quan lập pháp Việt Nam. Lần đầu tiên diễn ra cuộc gặp gỡ trực tiếp giữa người đứng đầu cơ quan lập pháp hai nước sau Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Chừng ấy cũng nói lên tầm quan trọng đặc biệt của chuyến thăm.

Diễn ra vào thời điểm Việt Nam và Trung Quốc vừa bước qua dấu mốc 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện (2008-2023) và đang hướng tới dấu mốc lớn khác - kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (18/1/1950-18/1/2025), chuyến thăm lần này của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ được kỳ vọng tạo hiệu ứng lan tỏa, động lực và xung lực mạnh mẽ cho sự phát triển quan hệ giữa hai nước láng giềng núi sông liền một dải…

Sự hiện diện của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Thủ đô Bắc Kinh nằm trong mạch trao đổi cấp cao thường xuyên giữa hai nước trong những năm gần đây[i], góp phần tăng cường tin cậy chính trị, củng cố vững chắc cho nền tảng chính trị của quan hệ hai Đảng, hai nước. Đặc biệt nhất trong số đó là hai chuyến thăm lẫn nhau mang tính lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 10/2022) và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình (tháng 12/2023), góp phần tiếp thêm động lực mạnh mẽ để hai Đảng, hai nước không ngừng củng cố và nâng tầm quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam-Trung Quốc. Theo nhà báo Ngụy Vi, Trưởng ban Việt ngữ Đài Phát thanh và Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CMG), sau chuyến thăm thành công của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình tới Việt Nam, quan hệ hai nước bước vào giai đoạn tốt nhất.

Đáng chú ý, chuyến thăm diễn ra chỉ vài ngày sau khi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn kết thúc chuyến thăm chính thức Trung Quốc (ngày 3-4/7). Tại cuộc gặp đầu tiên giữa hai Bộ trưởng Ngoại giao sau khi hai nước nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện và nhất trí xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược, hai bên khẳng định tầm quan trọng hàng đầu của quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong chính sách đối ngoại của mỗi nước.

Đánh giá về chuyến thăm từ ngày 7-12/4 của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai nhấn mạnh ý nghĩ của việc duy trì giao lưu, tiếp xúc cấp cao, định hướng chiến lược cho quan hệ song phương, cụ thể hóa “6 hơn” trong phương hướng hợp tác lớn [ii], theo Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc được đưa ra nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình vào cuối năm ngoái.

Trong bối cảnh quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam và Nhân đại toàn quốc Trung Quốc không ngừng được củng cố và phát triển tốt đẹp hiện nay, theo Đại sứ Phạm Sao Mai, chuyến thăm sẽ góp phần làm sâu sắc và nâng cao hiệu quả hợp tác giữa cơ quan lập pháp hai nước; khẳng định vai trò rất quan trọng của đối ngoại Quốc hội nước ta đối với sự nghiệp phát triển đất nước.

Nhận định giao lưu giữa các cơ quan lập pháp của hai nước là một bộ phận cấu thành quan trọng trong mối quan hệ giữa hai Đảng và hai nước, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba cho rằng, trong quá trình phát triển quan hệ giữa hai nước, các cơ quan lập pháp của hai nước duy trì trao đổi mật thiết. Vào tháng Ba năm ngoái, sau khi bầu Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc khóa XIV, Ủy viên trưởng Triệu Lạc Tế đã có cuộc gặp trực tuyến lần đầu tiên với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trên cương vị Ủy viên trưởng Nhân đại.

Chính vì thế, chuyến thăm lần này của người đứng đầu Quốc hội Việt Nam cũng là “sự tiếp nối những trao đổi mật thiết giữa cơ quan lập pháp hai nước”, Đại sứ Hùng Ba nhấn mạnh.

Là sự tương tác quan trọng giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng và hai nước nhằm duy trì, tăng cường trao đổi chiến lược, lịch trình bận rộn của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại quốc gia tỷ dân sẽ mang lại những kết quả thực chất, góp phần cụ thể hóa các thành quả, nội hàm mới của quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc.


[i] Các chuyến thăm, trao đổi và tiếp xúc gần đây có: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Trung Quốc (ngày 30/10 và 1/11/2022); Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Trung Quốc và dự Hội nghị WEF 14 tổ chức tại Thiên Tân (Trung Quốc) (tháng 6/2023), dự Hội chợ Trung Quốc-ASEAN (CAEXPO) và Hội nghị thượng đỉnh Thương mại-Đầu tư Trung Quốc-ASEAN (CABIS) lần thứ 20 tại thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) (tháng 9/2023); Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai thăm và làm việc tại Trung Quốc (tháng 4/2023); Trưởng ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Lưu Kiến Siêu thăm Việt Nam (tháng 9/2023); Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ ba tại Bắc Kinh (Trung Quốc) (tháng 10/2023); Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (tháng 12/2023); Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam (tháng 12/2023); Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thăm chính thức Trung Quốc (tháng 4/2024)...

[ii] Đó là: Tin cậy chính trị cao hơn, Hợp tác quốc phòng - an ninh thực chất hơn, Hợp tác thực chất sâu sắc hơn, Nền tảng xã hội vững chắc hơn, Phối hợp đa phương chặt chẽ hơn và Bất đồng được kiểm soát, giải quyết tốt hơn.

Theo Báo Thế giới và Việt Nam

Tin cùng chuyên mục