,

Lễ tân ngoại giao

Những cụm từ thường gặp trong nghi lễ đối ngoại

Trong phạm vi Nghị định số 18/2022/NĐ-CP về nghi lễ đối ngoại, nhắc đến các cụm từ như 'Lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước' hay 'khách cấp cao nước ngoài' thì phải hiểu như thế nào?

Cần nắm được một số từ ngữ thường gặp trong nghi lễ đối ngoại. Ảnh minh họa: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì lễ đón chính thức Tổng thống Sierra Leone ngày 15/3. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Theo Nghị định số 18/2022/NĐ-CP về nghi lễ đối ngoại, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

“Lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước” gồm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội.

“Lãnh đạo Đảng, Nhà nước” gồm Lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ và Phó Chủ tịch Quốc hội.

“Khách cấp cao nước ngoài” gồm Nguyên thủ quốc gia, Nguyên thủ quốc gia đồng thời là Người đứng đầu Đảng cầm quyền và Phó Nguyên thủ quốc gia, Phó Nguyên thủ quốc gia đồng thời là lãnh đạo Đảng cầm quyền; Người đứng đầu Chính phủ và cấp phó của Người đứng đầu Chính phủ; Người đứng đầu Nghị viện và cấp phó của Người đứng đầu Nghị viện và các cấp tương đương; một số khách nước ngoài khác được quy định tại Nghị định này.

“Người đứng đầu Nghị viện” là Người đứng đầu cơ quan lập pháp của các quốc gia bao gồm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Thượng nghị viện, Chủ tịch Hạ nghị viện, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc và cấp tương đương.

“Trưởng các cơ quan của Nghị viện” gồm Người đứng đầu các Hội đồng, Ủy ban chuyên môn thuộc Nghị viện và cấp tương đương.

“Lễ đón cấp nhà nước”, “lễ đón chính thức”, “hội đàm cấp nhà nước”, “hội đàm chính thức”,“chiêu đãi cấp nhà nước”, “chiêu đãi chính thức” là những hoạt động chính trong chương trình chuyến thăm của khách cấp cao nước ngoài do Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam đồng cấp chủ trì.

“Tiếp xúc cấp cao” hoặc “hội kiến” là cuộc tiếp xúc của khách cấp cao nước ngoài với Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam.

“Cơ quan chủ trì” là cơ quan chủ trì tổ chức các hoạt động đón, tiếp, đoàn khách nước ngoài và chủ trì tổ chức sự kiện quốc tế.

“Trường hợp đặc biệt” là trường hợp được cơ quan chủ trì đề xuất áp dụng một số biện pháp lễ tân không nằm trong quy định của Nghị định trên hoặc của khách cấp cao hơn được quy định trong Nghị định nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

“Cơ quan đại diện nước ngoài” gồm Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự và Cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế thuộc hệ thống Liên hợp quốc và tổ chức quốc tế liên chính phủ ngoài hệ thống Liên hợp quốc tại Việt Nam.

“Trưởng Cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài” là Người đứng đầu Cơ quan đại diện ngoại giao, bao gồm Đại sứ thường trú tại Việt Nam và Đại sứ không thường trú (gọi chung là Đại sứ).

“Trưởng Cơ quan đại diện lãnh sự” là Người đứng đầu Cơ quan đại diện lãnh sự tại các địa phương (gọi chung là Tổng lãnh sự).

“Trưởng Cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam” là Người đứng đầu tổ chức quốc tế thuộc hệ thống Liên hợp quốc và tổ chức quốc tế liên chính phủ ngoài hệ thống Liên hợp quốc (gọi chung là Trưởng Đại diện).

“Năm tròn”, “năm khác” là số năm kỷ niệm (lần thứ) của các sự kiện. Theo đó, “năm tròn” là năm có chữ số cuối cùng là “0”, còn “năm khác” là năm có các chữ số cuối cùng còn lại.

“Gác tiêu binh danh dự” là việc bố trí hai hay một số tiêu binh danh dự. “Đội hình tiêu binh danh dự” là việc sắp xếp tiêu binh danh dự thành hai hàng tiêu binh danh dự.

Tin cùng chuyên mục