Thủ tướng Chính phủ chỉ thị xây dựng đề án chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương

17/09/2024 - 15:27
56

Ngày 16/9/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 34/CT-TTg về việc xây dựng đề án chuyển đổi số của các bộ, ngành, và địa phương.

Trong thời gian qua, việc triển khai các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số, Chiến lược dữ liệu quốc gia đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Hạ tầng kỹ thuật cơ bản đáp ứng được nhu cầu; các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành được đẩy mạnh xây dựng, từng bước đưa vào khai thác, sử dụng; nhiều dịch vụ công đã được cung cấp trực tuyến toàn trình; kinh tế số, xã hội số đều có bước phát triển tích cực; kỹ năng số của cán bộ công chức, viên chức và người dân được nâng cao; xếp hạng quốc gia về Chính phủ điện tử được cải thiện...

Chuyển đổi số là công việc khó, phải có quyết tâm cao, hành động quyết liệt

Tuy nhiên, quá trình triển khai cũng bộc lộ không ít thách thức và bất cập như: người đứng đầu ở một số bộ, ngành, địa phương chưa coi chuyển đổi số, phát triển kinh tế số là nhiệm vụ trọng tâm; công tác hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính tiến triển chậm; vẫn còn một số khu vực chưa có điện lưới quốc gia dẫn đến việc triển khai hạ tầng số còn khó khăn; quy mô phát triển kinh tế của các vùng, miền trên cả nước chưa đồng đều, nhất là các địa phương thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn khá cao dẫn đến việc người dân sở hữu các thiết bị thông minh còn thấp; việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước còn hạn chế, chưa tạo ra nhiều giá trị gia tăng; chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến còn chưa cao; xếp hạng quốc gia về Chính phủ điện tử tuy có cải thiện nhưng mới ở mức trung bình trong khu vực, chưa có sự đột phá; nguy cơ về mất an toàn thông tin mạng còn tiềm ẩn rủi ro, thách thức; chưa đầu tư nguồn lực thích đáng, đặc biệt là việc thu hút nguồn nhân lực về công nghệ thông tin và an toàn thông tin mạng.

Chuyển đổi số là công việc khó, phải có quyết tâm cao, hành động quyết liệt, cần xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, các mũi đột phá để tạo động lực cho quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) do Bộ Công an chủ trì xây dựng, là đề án quan trọng, đột phá trong thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, tạo ra nhiều tiện ích, dịch vụ, mang lại lợi ích thiết thực, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, hiệu quả hơn.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào thành công của Đề án 06, từ đó nghiên cứu tìm ra mũi đột phá cho mình, xây dựng một đề án về chuyển đổi số có tính chất tương tự như Đề án 06 và bảo đảm kết nối với Đề án 06, tập trung chỉ đạo thực hiện xong và thành công trong thời gian từ nay đến hết năm 2025, phù hợp với Chương trình chuyển đổi số quốc gia, các chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số, Chiến lược dữ liệu quốc gia, Đề án 06 và các chiến lược, chương trình, đề án, kế hoạch chuyển đổi số khác của bộ, ngành, địa phương.

Nguyên tắc xây dựng Đề án chuyển đổi số
Đề án chuyển đổi số khi xây dựng phải dựa trên một số nguyên tắc sau:

- Lựa chọn đưa vào đề án các mũi đột phá có phạm vi ảnh hưởng sâu rộng tới ngành, lĩnh vực, địa phương thuộc phạm vi quản lý. Giải quyết các vấn đề này sẽ tạo nên những động lực chính thúc đẩy hoạt động và tạo đột phá trong chuyển đổi số và phát triển kinh tế số của bộ, ngành và địa phương.

- Các mũi đột phá có thể tập trung vào nội hàm phát triển kinh tế số với 4 trụ cột là công nghiệp công nghệ thông tin, kinh tế số ngành, quản trị số và dữ liệu số hoặc phát triển Chính phủ số, chính quyền số, đô thị thông minh theo nguyên tắc lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.

- Các vấn đề đưa vào đề án phải cụ thể, tường minh, đo lường được (ưu tiên bằng hình thức trực tuyến thông qua các nền tảng số), phân công nhiệm vụ phải rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả.

- Đề án cần bảo đảm tính khả thi và có thể được triển khai ngay dựa trên nhu cầu thực tiễn và theo khuôn khổ pháp lý hiện hành mà không cần phải sửa đổi thể chế và chính sách.

- Phân định rõ danh mục nhiệm vụ của bộ, ngành và nhiệm vụ của địa phương trong thúc đẩy phát triển, đầu tư xây dựng, tránh chồng chéo, lãng phí.

- Bảo đảm đồng bộ với các chương trình, chiến lược của quốc gia, ngành, lĩnh vực; các nghị quyết, đề án, kế hoạch của bộ, ngành, địa phương về chuyển đổi số để tránh trùng lặp, tối ưu nguồn lực triển khai.

- Có phương án, giải pháp bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin mạng nhằm hạn chế nguy cơ lộ, mất bí mật nhà nước, thông tin nội bộ và dữ liệu cá nhân người dùng trên không gian mạng.

- Ngân sách triển khai đề án được cân đối từ ngân sách của bộ, ngành, địa phương và được triển khai một cách thiết thực, hiệu quả. Trường hợp cần thiết báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét, quyết định.

- Việc xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện đề án phải bảo đảm tuân thủ quy trình thủ tục và nguồn lực thực hiện đề án theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, việc đảm bảo an ninh mạng và an toàn thông tin cũng là yêu cầu quan trọng nhằm bảo vệ dữ liệu cá nhân và thông tin nội bộ trong quá trình chuyển đổi số. Các nguồn lực, bao gồm cả ngân sách và nhân lực, cần được phân bổ hợp lý để đảm bảo hiệu quả trong việc triển khai các đề án.

Chỉ thị cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho Bộ Thông tin và Truyền thông - Cơ quan thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số công bố mô hình thành phần hạ tầng chuyển đổi số, trong đó xác định rõ trách nhiệm, cơ quan chủ trì, hoàn thành trước ngày 30 tháng 9 năm 2024; Tổng hợp kết quả triển khai của các bộ, ngành, địa phương (có ý kiến về tính khả thi, đồng bộ khi cần thiết) tại báo cáo định kỳ về chuyển đổi số, kịp thời tham mưu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai phù hợp với tình hình thực tế.

Bộ Công an xây dựng, hoàn thiện tài liệu tổng hợp bài học kinh nghiệm, cách làm từ Đề án 06, phổ biến cho các bộ, ngành, địa phương để tham khảo, hoàn thành trước ngày 20 tháng 9 năm 2024.

Nguồn "http://mic.gov.vn" 

bình luận

Tìm kiếm

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP SỞ NGOẠI VỤ TỈNH TUYÊN QUANG
Giấy phép hoạt động số: 81/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tuyên Quang cấp ngày 16/8/2024

Chịu trách nhiệm chính: Bà Vũ Thị Minh Hạnh - Giám đốc Sở Ngoại Vụ tỉnh Tuyên Quang

Cơ quan chủ quản: Sở Ngoại vụ tỉnh Tuyên Quang

Địa chỉ: Số 04, Đường Chiến thắng sông Lô, phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang

Điện thoại: (0207) 3 817 133 | Fax: (0207) 3 817 133 | Email: songoaivu@tuyenquang.gov.vn
Bản quyền nội dung thuộc Sở Ngoại vụ Tuyên Quang. Sử dụng thông tin của Webstie này phải ghi rõ nguồn

Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1