Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Thongloun Sisoulith với thiếu nhi Thủ đô tại Lễ đón Đoàn đại biểu cấp cao Đảng và Nhà nước Lào sang thăm thăm hữu nghị chính thức Việt Nam _Ảnh: TTXVN
Là hai nước láng giềng núi sông liền một dải, quan hệ gắn kết anh em giữa Lào và Việt Nam đã được hình thành và hun đúc trong lịch sử dựng nước và giữ nước của hai dân tộc. Trong thời kỳ kháng chiến chống giặc ngoại xâm giành độc lập dân tộc, tự do cũng như sự hợp tác, giúp đỡ trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, gắn bó thủy chung giữa nhân dân hai nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và Chủ tịch nước Lào Cay-xỏn Phôm-vi-hản, Hoàng thân Xu-pha-nu-vông kính yêu đặt nền móng, đã được các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước dày công vun đắp, trở thành tài sản quý giá của hai dân tộc, là yếu tố bảo đảm sự tồn tại và phát triển của hai nước Lào - Việt Nam.
Trong suốt quá trình đấu tranh gian khổ, mọi thắng lợi mà hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước giành được dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Đảng Cộng sản Việt Nam, cuộc đấu tranh của ba nước Đông Dương nói chung và Lào - Việt Nam nói riêng đã bước vào giai đoạn mới, là yếu tố quyết định thắng lợi liên minh đấu tranh của hai nước. Có thể nói đây là mối quan hệ hợp tác thuần thiết, sự đoàn kết chặt chẽ giữa Lào và Việt Nam đã bắt nguồn từ lịch sử lâu đời, qua các cuộc kháng chiến đấu tranh chống giặc ngoại xâm đưa đến việc thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa hai nước vào ngày 5-9-1962.
Sau khi hai nước giành độc lập, thống nhất đất nước năm 1975, quan hệ hợp tác giữa hai Đảng, hai Nhà nước Lào - Việt Nam ngày càng được vun đắp và không ngừng phát triển. Tiếp đó đến năm 1977, hai nước ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác. Đây là dấu mốc lịch sử, là bước tiến quan trọng có một không hai trong lịch sử quan hệ hai nước. Hai bên đã thống nhất nâng cấp mối quan hệ Lào - Việt Nam lên tầm cao mới, tạo sức mạnh và các điều kiện mới trong tình hình mới. Từ năm 1986, hai nước cùng tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, mối quan hệ đặc biệt Lào - Việt Nam ngày càng được lãnh đạo hai nước chú trọng, trong điều kiện lịch sử chung của hai nước đều kiên định đi lên chủ nghĩa xã hội trên nền tảng tư tưởng chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, quan hệ giữa hai nước tiếp tục được khẳng định là nhân tố quan trọng trong chính sách đối ngoại của mỗi nước, được gắn bó mật thiết, ngày càng phát triển dưới nhiều hình thức, đi vào chiều sâu, thực chất trên mọi lĩnh vực, đóng góp quan trọng, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước nhằm đạt mục tiêu dân giàu, nước mạnh.
Trải qua chặng đường 60 năm, trên cơ sở phát huy truyền thống tốt đẹp của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước, sự đoàn kết chặt chẽ, thân thiết ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau và tin cậy sâu sắc, hợp tác về chính trị, đối ngoại giữa hai nước Lào - Việt Nam tiếp tục giành được thắng lợi và đi vào chiều sâu, trở thành nền tảng cho quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì thường xuyên các cuộc gặp gỡ, trao đổi, tiến hành các chuyến thăm, để cùng nhau trao đổi nắm bắt tình hình, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho từng giai đoạn ở mỗi nước, giữ vững đà phát triển tốt đẹp của quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực là minh chứng cho nỗ lực và quyết tâm cao độ của cả hai nước dành cho mối quan hệ đặc biệt Lào - Việt Nam. Trong bối cảnh tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, lãnh đạo cấp cao ở các cấp bộ, ban, ngành, địa phương cũng như nhân dân hai nước đã cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thăm hỏi lẫn nhau trên tình thân bạn bè trong sáng qua hình thức trực tiếp và trực tuyến; thực hiện các chương trình, dự án mà hai bên đã thống nhất, góp phần thúc đẩy các chương trình hợp tác giữa hai bên không ngừng phát triển. Điều này được tiếp tục khẳng định trong một loạt sự kiện cấp cao diễn ra trong các năm 2021, 2022, như chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thoong Luông Xi-xu-lít (tháng 6-2021). Chuyến thăm là sự kiện quan trọng trong quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Lào - Việt Nam trong bối cảnh hai Đảng, hai nước vừa tổ chức thành công Đại hội lần thứ XI của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây cũng là năm đầu tiên hai nước tổ chức triển khai Nghị quyết Đại hội, chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mỗi Đảng, mỗi nước, do đó là cơ hội tốt để hai bên thảo luận về các chiến lược, phương hướng hợp tác, góp phần quan trọng vào việc vun đắp mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, đơm hoa kết trái.
Chuyến thăm, làm việc chính thức tại Lào của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (tháng 8-2021) tham dự lễ bàn giao nhà Quốc hội mới cho Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây là quà tặng vô cùng to lớn của Đảng và nhân dân Việt Nam đối với đất nước Lào. Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Quốc hội Lào Xay-xổn-phom Phôm-vi-hản (tháng 12-2021), chuyến thăm Lào của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ (tháng 5-2022) thể hiện tầm quan trọng quan hệ hợp tác đặc biệt Lào - Việt Nam; nâng cao vai trò, vị thế của hai nước trên trường quốc tế. Tại Kỳ họp lần thứ 44 Ủy ban Liên Chính phủ Lào - Việt Nam (tháng 1-2022), Thủ tướng Chính phủ Lào Phan-kham Vi-pha-vanh và Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính khai mạc Năm đại đoàn kết Lào - Việt Nam 2022 tại Thủ đô Hà Nội. Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ Lào Phan-kham Vi-pha-vanh (tháng 6-2022), hai nhà lãnh đạo nhất trí phối hợp chặt chẽ tổ chức các hoạt động thiết thực, có ý nghĩa với nội dung sâu sắc, phù hợp và có sức lan tỏa; khẳng định các hoạt động trong năm 2022 sẽ góp phần tăng cường tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hai nước về truyền thống tốt đẹp giữa hai dân tộc.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính và Thủ tướng Chính phủ Lào Phankham Viphavanh cùng các đại biểu tại lễ phát động “Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 2022” _Ảnh: VGP
Về hợp tác quốc phòng - an ninh, Lào - Việt Nam tiếp tục phối hợp bảo đảm thực hiện tốt việc giữ vững ổn định chính trị, an ninh, trật tự, an toàn xã hội của hai nước; cùng nhau phát triển khu vực biên giới toàn diện để nâng cao đời sống nhân dân nơi đây, xây dựng tuyến biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị và phát triển bền vững.
Trong hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, hai bên hợp tác chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị kinh doanh của hai nước, nhất là các doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư tại Lào trong nhiều lĩnh vực, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy và phát triển nền kinh tế Lào. Đến nay, có 417 doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động kinh doanh tại Lào với tổng giá trị đầu tư khoảng 4,3 tỷ USD, đứng thứ 3 trong tổng số 50 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư tại Lào. Tổng giá trị kim ngạch thương mại hai nước Lào - Việt Nam trong năm 2021 đạt được 1,37 tỷ USD, tăng lên 33,3% so với năm 2020; 4 tháng đầu năm 2022, đạt 558,2 triệu USD, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2021. Bên cạnh đó, hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nông - lâm sản theo hướng phát triển xanh; thúc đẩy sản xuất hàng tiêu dùng, kỹ thuật hiện đại... Với những điều kiện thuận lợi từ Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN, Hiệp định thương mại song phương Lào - Việt Nam, Hiệp định thương mại biên giới Lào - Việt Nam, hai nước tích cực khai thác tiềm năng, hướng tới mục tiêu thúc đẩy thương mại song phương tăng lên 10% - 15% trong giai đoạn 2021 - 2025.
Hợp tác trong lĩnh vực năng lượng - mỏ, nhất là năng lượng điện là ưu tiên của hai Chính phủ Lào và Chính phủ Việt Nam. Hiện nay, hai nước thống nhất mua bán năng lượng điện cho nhiều dự án; thúc đẩy kinh doanh giữa hai nước phát triển lĩnh vực điện ở Lào và tăng cường kết nối hệ thống điện và mua bán điện ngày càng có hiệu quả hơn.
Hợp tác trong lĩnh vực giao thông - vận tải ghi nhận việc kết nối giao thông vận tải trong khu vực nói chung và giữa hai nước Lào - Việt Nam nói riêng có bước tiến mới đáng kể. Chính phủ hai nước nhất trí tăng cường triển khai hiệu quả các dự án trọng điểm, như: dự án Cảng Vũng Áng 1, 2 và 3; dự án nâng cấp Quốc lộ 8, dự án đường cao tốc Viêng Chăn - Hà Nội, dự án xây dựng tuyến đường sắt Viêng Chăn - Vũng Áng, dự án sân bay Nọng Khang và các dự án khác... Sau khi các dự án trên được xây dựng hoàn thiện sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho trao đổi thương mại giữa hai bên, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế Lào phát triển và trở thành trung tâm kết nối tuyến giao thông vận tải trong khu vực và các nước láng giềng.
Trong lĩnh vực hợp tác văn hóa - xã hội, Chính phủ Lào và Chính phủ Việt Nam coi trọng việc xây dựng, đào tạo nguồn nhân lực. Hằng năm, Chính phủ Việt Nam dành tặng hơn 1.000 suất học bổng cho Lào, Chính phủ Lào cũng tặng suất học bổng cho Việt Nam. Năm 2021, du học sinh Lào đang học tập tại Việt Nam có khoảng 14.000 người; riêng năm 2022, Chính phủ Việt Nam tặng 1.100 suất học bổng cho Lào, Chính phủ Lào tặng 60 suất học bổng cho Việt Nam. Ngoài ra, hai bên còn hợp tác trong các lĩnh vực, như khoa học - xã hội, khoa học - công nghệ, tài nguyên - môi trường, văn hóa - truyền thông, tư pháp, lao động và thương binh - xã hội, du lịch, y tế... Những lĩnh vực này ngày càng phát triển, phù hợp với điều kiện mới và trở thành yếu tố quyết định tăng cường quan hệ Lào - Việt Nam.
Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào đánh giá cao sự ủng hộ, giúp đỡ của Việt Nam cũng như quan hệ hợp tác song phương, đặc biệt là giai đoạn Lào đang gặp nhiều khó khăn trong công cuộc phòng, chống đại dịch COVID-19, cũng như đối phó với thiên tai, kể cả trong thời kỳ kháng chiến chống ngoại xâm gian khổ, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh, nhưng Việt Nam vẫn dành cho Lào sự ủng hộ, hỗ trợ nghĩa tình. Điều này thể hiện tình đoàn kết bạn bè quốc tế trong sáng, tình thân anh em luôn “kề vai sát cánh” cùng nhau xây dựng và phát triển đất nước giàu mạnh, vì độc lập dân tộc của mỗi nước, như câu nói: “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”. Đây là cơ sở cho sự tồn tại và phát triển quan hệ hợp tác toàn diện, hữu nghị, đoàn kết đặc biệt, truyền thống của hai nước Lào - Việt Nam.
Chương trình nghệ thuật chào mừng Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5-9-1962 – 5-9-2022), 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào (18-7-1977 - 18-7-2022) được tổ chức trọng thể tại Thủ đô Hà Nội _Nguồn: baoquocte.vn
Năm 2022 là một năm quan trọng có ý nghĩa lịch sử đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước Lào - Việt Nam anh em, kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (1962 - 2022) và 45 năm Ngày ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Lào - Việt Nam (1977 - 2022). Hai Đảng, hai Nhà nước Lào - Việt Nam thống nhất tổ chức các hoạt động phong trào thi đua trên cơ sở tình thân hữu nghị sâu sắc và có ý nghĩa.
Trong giai đoạn mới, sự kết nối và hợp tác để phát triển đất nước trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, trật tự, an ninh ở khu vực và thế giới đã có sự thay đổi nhanh chóng; bên cạnh những thuận lợi để xây dựng mối quan hệ hòa bình, hữu nghị, quan hệ hợp tác của các nước trên thế giới cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức do những mâu thuẫn trong các vấn đề quốc tế hiện nay, đã ảnh hưởng trực tiếp đến Lào và Việt Nam. Chính vì vậy, để bảo đảm an ninh, hòa bình và phát triển bền vững quan hệ truyền thống lâu đời Lào - Việt Nam hiệu quả hơn, hai Đảng, hai Nhà nước, nhất là các thế hệ trẻ, cần tiếp tục vun đắp tình hữu nghị Lào - Việt Nam có nhiều bước phát triển hơn nữa; tiếp tục đưa quan hệ Lào - Việt Nam đi vào chiều sâu và có vai trò trên trường quốc tế, khai thác các nguồn lực của hai bên và bổ sung cải cách cơ chế và chính sách trong quan hệ Lào - Việt Nam phù hợp với tình hình mới, nhằm đem lại lợi ích cao nhất cho nhân dân hai nước. Theo đó, hai nước cần tăng cường lòng tin lẫn nhau về chính trị, tiếp tục tăng cường trụ cột hợp tác quốc phòng - an ninh và ngoại giao; thúc đẩy nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học - công nghệ trên cơ sở phát huy tiềm năng của hai nước.
Hai bên cũng cần tăng cường trao đổi thông tin, tạo sự thống nhất quan điểm kịp thời đối với các vấn đề quan trọng, phối hợp chặt chẽ trong việc ủng hộ quan điểm của nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực trong khuôn khổ hợp tác Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), các cơ chế hợp tác Tiểu vùng sông Mê Công... để hài hòa, bảo đảm và đáp ứng được yêu cầu là cơ sở để phát triển của hai nước, đóng góp tích cực vào việc vun đắp, phát huy mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Lào - Việt Nam ngày càng phát triển đi vào chiều sâu, đem lại hiệu quả to lớn, góp phần bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực và quốc tế.
Một điều quan trọng nhất là hai nước cần kiên định và nâng cao quan hệ hữu nghị đặc biệt, hợp tác toàn diện song phương Lào - Việt Nam - yếu tố quyết định thắng lợi của cuộc cách mạng hai nước chúng ta, là quy luật để tồn tại, phát triển của hai quốc gia trong thời đại hiện nay.
Với những hy vọng cao cả và sự quyết tâm của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước, quan hệ hợp tác vĩ đại, sự đoàn kết đặc biệt chặt chẽ và toàn diện lâu đời của chúng ta cần được tiếp tục gìn giữ và phát triển hơn nữa để đưa đất nước Lào - Việt Nam trở thành văn minh, vững mạnh, có nền kinh tế phát triển cao, hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa./.
XẠ-LƠM-XAY CÔM-MA-XÍT
Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào