Theo đó, mục tiêu chung nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện điểm số của 10 chỉ số thành phần (PCI). Đồng thời, tập trung khắc phục và cải thiện mạnh mẽ các chỉ số thành phần có điểm số thấp nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp, thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài vào đầu tư tại tỉnh; góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định, phấn đấu “Đưa tỉnh Tuyên Quang phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc”.
Mục tiêu cụ thể năm 2022, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh tăng từ 2 bậc trở lên trong bảng xếp hạng (PCI) của cả nước, tiếp tục nằm trong các tỉnh có điểm số khá, điểm số đạt trên 65 điểm; phấn đấu đến năm 2025, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Tuyên Quang nằm trong nhóm 25 đến 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu trong cả nước và nằm trong các tỉnh, thành phố có điểm số khá, tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
UBND tỉnh cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị liên quan. Trong đó, tập trung khắc phục để tăng điểm và vị trí xếp hạng các chỉ số bị giảm điểm năm 2021: Chỉ số “Đào tạo lao động” (Chỉ số giảm nhiều nhất (20 bậc và 1,18 điểm) so với năm 2020, xếp thứ 33/63 tỉnh, thành phố); Chỉ số “Cạnh tranh bình đẳng” (Chỉ số giảm 10 bậc và giảm 1,09 điểm so với năm 2020, xếp thứ 37/63 tỉnh, thành phố); Chỉ số “Chi phí thời gian” (Chỉ số giảm 7 bậc và giảm 0,52 điểm so với năm 2020, xếp thứ 53/63 tỉnh, thành phố); Chỉ số “Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự” (Chỉ số giảm 22 bậc và giảm 0,13 điểm so với năm 2020, xếp thứ 36/63 tỉnh, thành phố). Đồng thời tiếp tục cải thiện điểm số các chỉ số thành phần (PCI) như: Chỉ số “Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp”, Chỉ số “Tiếp cận đất đai”, Chỉ số “Chi phí không chính thức”…