Đền thờ Bác Hồ tại thành phố Tuyên Quang.
Nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đảng không phải là nơi để thăng quan, tiến chức, để phát tài. Vào Đảng là để phục vụ nhân dân, phục vụ giai cấp, đảng viên phải trở thành người con hiếu thảo của Tổ quốc, của giai cấp”.
Cũng theo lời Người, “cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt’’. Cho nên, muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Tổ quốc và nhân dân giao phó, mỗi cán bộ, đảng viên nói chung, người lãnh đạo, quản lý, đứng đầu mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị nói riêng phải thường xuyên rèn luyện và phấn đấu.
Thực tiễn cách mạng nước ta đã chứng minh, càng trong những thời khắc khó khăn nhất, trước những vấn đề phức tạp, nhạy cảm của đất nước, vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên càng được thể hiện mạnh mẽ.
Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, các đảng viên nơi tiền tuyến luôn đi đầu trong chiến đấu, sẵn sàng nhận những nhiệm vụ khó khăn nhất, sẵn sàng hy sinh. Những đảng viên ở hậu phương cũng luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào vì tiền tuyến. Nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao đều có con trai đi chiến đấu chống giặc Mỹ xâm lược.
Trong thời bình, những tấm gương đảng viên đi trước cũng có sức lay động rất lớn. Đó là những cán bộ đảng viên băng mình trong nước lũ cứu dân, đi đầu hiến đất xây dựng công trình công cộng... Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19 hiện nay, không thể thống kê hết được có bao nhiêu cán bộ, đảng viên công tác trong ngành y tế, đã thức trắng đêm, hàng tháng không về nhà để làm nhiệm vụ cứu người bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân; bao nhiêu cán bộ, đảng viên trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân, đã “ăn gió nằm sương” cùng với lực lượng y tế dự phòng tạo thành những “lá chắn thép” nơi tuyến đầu chống giặc.
Đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 05, ngày 26/4/2021.
Họ chính là những tấm gương rất đẹp có sức lay động hàng triệu trái tim người Việt Nam, từ đó, thổi bùng lên tinh thần đoàn kết dân tộc, tạo sức mạnh thực hiện nhiệm vụ kép. Có thể nói Đại dịch Covid-19 chính là phép thử cho thấy vai trò quan trọng của cán bộ, đảng viên.
Ngăn chặn những “con sâu”
Trong năm 2021 vừa qua đã có những cán bộ đảng viên có chức vụ quan trọng, nhiều tướng lĩnh cao cấp bị kỷ luật, bị vướng vòng lao lý. Họ chính là những con sâu làm rầu nồi canh. Quy định 37-QĐ/TW của Trung ương về những điều đảng viên không được làm chính là để ngăn chặn sự xuất hiện những con sâu ấy, nhất quán quan điểm từ trước của Đảng đề cao trách nhiệm, nghĩa vụ, vai trò tiên phong gương mẫu và phẩm chất đạo đức của người đảng viên.
Quy định đã kế thừa cơ bản những nội dung còn phù hợp, bổ sung những nội dung mới cho phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Nổi bật là quy định đảng viên không được “Phản bác, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; không thực hiện trách nhiệm nêu gương; chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi; “tư duy nhiệm kỳ”, đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời quần chúng”; không được “can thiệp, tác động vào hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, xét đặc xá, giải quyết khiếu nại, tố cáo để bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tác động, ép buộc, mua chuộc tổ chức, cá nhân để giảm trách nhiệm, hình phạt cho người khác”...
Có thể thấy, Quy định 37 chính là lời cảnh tỉnh, sự răn đe đối với tất cả cán bộ, đảng viên để tránh vi phạm. Những nội dung sửa đổi, bổ sung là những vấn đề cốt lõi, quan trọng về rèn luyện tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; cho thấy Đảng ta đang tiếp tục tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng theo hướng nghiêm khắc hơn, quyết liệt hơn.
Cùng với Quy định 37, Đảng cũng đã bổ sung nội dung “phòng chống tiêu cực” vào nhiệm vụ của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Trọng tâm của phòng, chống tiêu cực là phòng chống những suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với các hành vi có tính chất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín, thanh danh của Đảng; chống lại Đảng, Nhà nước và chế độ; làm giảm sút niềm tin của nhân dân. Đối tượng của phòng, chống tiêu cực là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhưng trước hết vẫn là “khoanh vùng” trong cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Phòng, chống tiêu cực phức tạp ở chỗ khó định lượng như tham nhũng, nhưng cũng lại dễ, khi nó được thể hiện trong lối sống hằng ngày, trước mắt bàn dân thiên hạ, trước con mắt giám sát của nhân dân.
Cho thấy, Đảng ta ngày càng có nhiều vòng kim cô hơn để những “con sâu” không có cơ hội nảy sinh, phát triển.
Sinh thời, Bác Hồ đã dạy “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Đó chính là lý do để mỗi cán bộ, đảng viên và toàn Đảng ta phải tự soi tự sửa hằng ngày, giữ cho lòng dạ luôn trong sáng, luôn hết lòng vì nhân dân.