Bệnh nhân được cải thiện sức khỏe nếu được tiếp cận điều trị sớm
Lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong 3 con đường chính làm lây nhiễm HIV/AIDS, nguy cơ lây truyền HIV lên đến 40%. Tuy nhiên, nếu bà mẹ mang thai được chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả thì tỷ lệ này chỉ còn dưới 2%, thậm chí là 0%. Do vậy, nhiều năm qua, ngành y tế đã triển khai chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con nhằm giúp các bà mẹ có HIV sinh ra những đứa con khỏe mạnh, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của phụ nữ nhiễm HIV và giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV trong cộng đồng.
Tại Thanh Hóa, từ năm 2009 đã triển khai chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Theo đó, các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được lồng ghép vào hệ thống chăm sóc sức khỏe sinh sản nhằm tiếp cận với phụ nữ mang thai sớm nhất để có thể khắc phục tình trạng xét nghiệm HIV muộn và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng ARV muộn ở phụ nữ mang thai nhiễm HIV.
Bằng nguồn ngân sách địa phương, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV miễn phí trong quá trình quản lý thai nghén, tại tuyến y tế cơ sở; phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị ngay tại các cơ sở y tế, hỗ trợ thuốc ARV điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, bên cạnh được quản lý, chăm sóc điều trị, xét nghiệm miễn phí còn được cấp sữa ăn thay thế miễn phí, cho đến khi trẻ đủ 12 tháng tuổi. Việc phát hiện sớm, điều trị đúng, đủ đã làm giảm đáng kể tỷ lệ trẻ bị nhiễm HIV từ mẹ.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa, hiện nay trên địa bàn tỉnh tất cả phụ nữ nhiễm HIV mang thai và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV đều được tư vấn, chuyển tiếp, theo dõi, quản lý, điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) trong chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Năm 2023, có 40 phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị ARV, trong đó có 35 người điều trị trước khi có thai, 5 người bắt đầu điều trị ARV trong thời kỳ chuyển dạ. Có 19 trẻ đẻ sống từ mẹ nhiễm HIV và đều được dự phòng ARV. Đã chẩn đoán sớm nhiễm HIV cho 19/19 trẻ dưới 18 tháng tuổi, trong đó 18/19 trẻ xét nghiệm HIV âm tính và 1 trẻ xét nghiệm HIV dương tính lần 1...
Riêng từ 1/1 đến 14/5/2024, ngành y tế tỉnh điều trị dự phòng cho 7 phụ nữ mang thai nhiễm HIV, trong đó 3 người điều trị ARV trước khi có thai, 3 người bắt đầu điều trị ARV trong thời kỳ chuyển dạ, 1 người chưa điều trị ARV. Có 7 trẻ đẻ sống từ mẹ nhiễm HIV và đều được dự phòng ARV. Do tuân thủ đúng, đầy đủ quá trình điều trị bằng ARV, nên tất cả các trẻ sinh ra đều phát triển bình thường và không bị nhiễm bệnh.
BS. Lê Trường Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa cho biết, tại Thanh Hóa, tỉ lệ người nhiễm HIV được điều trị đạt hơn 90%. Điều này có ý nghĩa rất lớn, bởi bệnh nhân được điều trị sớm sẽ giúp cải thiện được tình trạng sức khỏe. Đồng thời, ngăn chặn được sự nhân lên của virus HIV trong cơ thể, làm giảm khả năng lây nhiễm ra cộng đồng, giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Tuy nhiên, để sinh ra những con không bị nhiễm HIV, người mẹ nhiễm HIV phải được điều trị ARV và tuân thủ điều trị tốt; cần theo dõi thai kỳ, tuân thủ các biện pháp dự phòng lây nhiễm và điều trị dự phòng ngay cho trẻ từ lúc lọt lòng. Các biện pháp can thiệp trong chương trình dự phòng lây truyền từ mẹ sang con dù khá hiệu quả nhưng nếu muốn sinh con, người nhiễm HIV cần có tư vấn của bác sĩ để được cung cấp đầy đủ thông tin, kiến thức cho một thai kỳ khỏe mạnh, cần được theo dõi, điều trị đầy đủ.
Giống như ngành y tế tỉnh Thanh Hóa, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sơn La cũng chú trọng công tác xét nghiệm, phát hiện sớm tình trạng bệnh của phụ nữ mang thai để được tiếp cận điều trị sớm. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xét nghiệm HIV cho 244 phụ nữ mang thai, qua đó phát hiện mới 1 trường hợp nhiễm HIV. Các cơ sở y tế điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đối với 5 phụ nữ mang thai nhiễm HIV, do tuân thủ quá trình điều trị nên 5 trẻ sinh ra đều phát triển bình thường và không bị nhiễm HIV.
Chị N.H.M, 27 tuổi (Sơn La) cho biết, do được xét nghiệm sàng lọc bệnh sớm nên chị đã phát hiện ra tình trạng bệnh của mình. Được tiếp cận điều trị sớm, nên con chị sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh. Hiện bé gái nhà chị M đã 3 tuổi, có sức khỏe tốt. Chị M. thấy may mắn vì đã sớm đến bệnh viện kiểm tra để phát hiện sớm tình trạng bệnh của mình. Giờ chị M. vẫn tiếp tục điều trị thuốc ARV, tuân thủ theo phác đồ điều trị của bệnh viện.
BS. Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng khoa Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sơn La cho biết: Các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được lồng ghép trong hệ thống chăm sóc sức khỏe sinh sản, nhằm tiếp cận với phụ nữ mang thai sớm nhất. Đối với người phát hiện nhiễm HIV, việc dùng thuốc kháng vi rút có vai trò quan trọng trong suốt thai kỳ. Để sinh con không bị nhiễm HIV, người mẹ nhiễm HIV phải tuân thủ điều trị, theo dõi thai kỳ, thực hiện các biện pháp dự phòng lây nhiễm và điều trị dự phòng ngay cho trẻ từ lúc lọt lòng.
Khắc phục tình trạng xét nghiệm HIV và tiếp cận điều trị, dự phòng muộn
Để thực hiện tốt công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, thời gian qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa và trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố, các trạm y tế xã, phường, thị trấn đã thực hiện lồng ghép triệt để vào hệ thống chăm sóc sức khỏe sinh sản nhằm tiếp cận với phụ nữ mang thai sớm nhất để có thể khắc phục tình trạng xét nghiệm HIV muộn và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng ARV muộn ở phụ nữ mang thai nhiễm HIV.
Đặc biệt, địa phương triển khai thực hiện hiệu quả Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con (từ ngày 1 đến 30/6) hằng năm nhằm góp phần nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, vợ của những người nhiễm HIV trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có hành vi nguy cơ cao về lợi ích của xét nghiệm HIV sớm và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sớm; giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với phụ nữ mang thai nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội trong dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con...
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa Lê Trường Sơn cho biết, trong Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2024, các hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được đẩy mạnh trên toàn tỉnh, như: tăng cường truyền thông lưu động trên các tuyến đường chính và các địa điểm công cộng, treo băng zôn, phát tờ rơi, tuyên truyền trực tiếp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội về lợi ích của xét nghiệm sớm HIV cho phụ nữ mang thai; thời điểm phụ nữ nhiễm HIV có thể mang thai an toàn giảm nguy cơ lây nhiễm HIV cho con; lợi ích của dự phòng sớm lây nhiễm HIV; điều trị ARV sớm để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con...
Còn tại Sơn La, BS. Nguyễn Tuấn Anh cho biết, đẩy mạnh các hoạt động nhân Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chú trọng các hoạt động, như: Tư vấn, giám sát, xét nghiệm sàng lọc; điều trị thuốc ARV; hỗ trợ kỹ thuật và hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản. Khuyến khích phụ nữ trong thời kỳ mang thai nên thăm khám định kỳ hằng tháng; lựa chọn nơi sinh con tại cơ sở y tế có dịch vụ dự phòng lây truyền HIV. Trẻ sau sinh được sử dụng thuốc ARV, dùng liên tục từ 6 đến 12 tuần. Đồng thời, được dùng sữa ngoài thay thế trong 6 tháng đầu hoặc có thể bú sữa mẹ nếu mẹ tuân thủ uống thuốc ARV điều trị.
Hiện Sơn La đang có 13 cơ sở điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) ở các huyện, thành phố. Các đơn vị cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản lồng ghép cung cấp can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con theo các nội dung được quy định của Bộ Y tế. Phối hợp chặt chẽ với cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản tư vấn, chuyển tiếp theo dõi, quản lý phụ nữ mang thai nhiễm HIV trước và sau sinh; điều trị dự phòng và chẩn đoán sớm nhiễm HIV cho trẻ sơ sinh.
Từ đầu năm đến nay, các cơ sở y tế, các địa phương trên địa bàn tỉnh Sơn La đã tổ chức hoạt động truyền thông trực tiếp phòng chống HIV/AIDS cho 51.000 lượt phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, người nghiện chích ma túy, nhiễm HIV/AIDS, thành viên gia đình người nhiễm HIV. Phát 2.796 tin bài trên các phương tiện thông tin đại chúng; phát miễn phí 85.625 bao cao su cho 15.263 lượt người; cấp 234.207 bơm kim tiêm sạch cho 11.880 lượt người. Qua đó, nâng cao nhận thức của nhân dân, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với phụ nữ mang thai nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV.
Quyết tâm "Loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030"
Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2024 diễn ra từ 01-30/06/2024 với chủ đề: "Loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030" nhằm thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của toàn dân thực hiện mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Kể từ năm 2009, chiến dịch quốc gia về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con lần đầu tiên đã được phát động trên toàn quốc nhằm đẩy mạnh cách tiếp cận toàn diện cho chương trình này. Sau đó, Bộ Y tế đã chọn tháng 6 hàng năm là Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con để đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông và cung cấp các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Đến nay, sau 15 năm triển khai, kết quả cho thấy số trẻ em bị nhiễm HIV do lây truyền từ mẹ đã giảm, nhiều phụ nữ nhiễm HIV cũng được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, góp phần làm giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV trong cộng đồng.
Lây truyền HIV từ mẹ sang con là thuật ngữ chỉ sự lây truyền HIV từ người phụ nữ đã nhiễm HIV sang con trong quá trình mang thai, sinh con hoặc cho con bú qua đường sữa mẹ, còn được gọi là lây truyền HIV chu sinh. Sự lây HIV từ mẹ sang con có thể ngăn ngừa được, rất nhiều bằng chứng đã cho thấy việc sử dụng thuốc điều trị HIV kết hợp với các chiến lược khác đã giúp giảm nguy cơ lây HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2-6%, thậm chí là 0%. Các bà mẹ chuẩn bị mang thai, đang có thai nên đến các cơ sở y tế để được khám và xét nghiệm tầm soát. Cán bộ y tế sẽ hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa và giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Một bà mẹ bị nhiễm HIV mang thai có thể làm lây truyền HIV từ mẹ sang con, nhưng không phải tất cả các bà mẹ nhiễm HIV mang thai khi sinh con thì con của họ đều bị nhiễm HIV. Chỉ có 1/3 trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV sẽ thực sự bị nhiễm HIV. Nếu 100 trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV không được chăm sóc điều trị thích hợp, không được dùng thuốc kháng HIV để phòng HIV lây truyền từ mẹ sang con thì trung bình có 30-35 trẻ sinh ra bị lây nhiễm HIV từ mẹ. Trong khi đó nếu được phát hiện sớm và điều trị thích hợp, tỷ lệ này giảm xuống còn dưới 5% (100 trẻ sinh ra có thể chỉ có 3-5 trẻ nhiễm HIV từ mẹ hoặc thậm chí còn ít hơn nữa).
Số liệu thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) chô thấy, ở nước ta ước tính trung bình mỗi năm có từ 1,5-2 triệu phụ nữ mang thai, với tỉ lệ nhiễm HIV khoảng 0,25-0,3% trong nhóm này thì mỗi năm có khoảng từ 4.000-6.000 bà mẹ mang thai nhiễm HIV. Nếu không được can thiệp mỗi năm sẽ có 1.500-3.000 trẻ bị nhiễm HIV ra đời. Nếu được chăm sóc và điều trị dự phòng thích hợp, tỷ lệ này sẽ giảm xuống 5% (2%), nghĩa là chỉ còn 150-200 cháu bị nhiễm HIV từ mẹ. Như vậy, hàng nghìn cháu sẽ được cứu thoát khỏi HIV. Đây là con số hết sức có ý nghĩa về nhiều mặt.
Vì vậy, phụ nữ mang thai biết mình bị nhiễm HIV hoặc phụ nữ nhiễm HIV muốn mang thai và muốn sinh con đều cần được tư vấn và cần tuân thủ tốt việc dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Phụ nữ mang thai nhiễm HIV cần đến ngay các cơ sở y tế đăng ký càng sớm càng tốt để được điều trị dự phòng kịp thời. Nếu điều trị muộn hơn kết quả sẽ bị hạn chế.
Để hướng tới mục tiêu "Loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030", BS. Lê Trường Sơn cho rằng, thời gian tới cần tiếp tục triển khai rộng khắp, đúng quy trình, tăng cường khả năng tiếp cận cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV, trên cơ sở giảm dần và tiến đến xóa bỏ kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS, hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030. Vì sức khỏe và tương lai của con em mình, tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và phụ nữ mang thai hãy chủ động đi khám, xét nghiệm HIV. Nếu phát hiện bệnh và được điều trị theo phác đồ sớm, bệnh nhân có thể bảo đảm hiệu quả tối ưu trong việc giảm tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con.
Theo BS. Nguyễn Tuấn Anh, để hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030, ngành Y tế cần tập trung lồng ghép cung cấp dịch vụ điều trị HIV vào mạng lưới cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh của bệnh viện. Tuyên truyền, quảng bá rộng rãi về lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ xét nghiệm HIV. Giới thiệu chi tiết các cơ sở cung cấp dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sẵn có tại địa phương. Mở rộng việc cung cấp các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con như tư vấn xét nghiệm HIV lưu động; xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng; điều trị ARV trong ngày, cấp thuốc ARV nhiều tháng, cấp thuốc ARV tại các trạm y tế xã.
Cùng với đó, nâng cao năng lực xét nghiệm sàng lọc HIV tại tuyến xã; xét nghiệm tế bào CD4, tải lượng HIV tại tỉnh. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng vận động tiếp cận khách hàng nguy cơ cao tại cộng đồng đi điều trị PrEP cho đội ngũ cán bộ y tế các tuyến, đội ngũ cộng tác viên y tế, tuyên truyền viên đồng đẳng các huyện, thành phố...
Với các giải pháp cụ thể của cơ quan chức năng, trách nhiệm của bản thân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và phụ nữ mang thai hãy chủ động đi khám, xét nghiệm HIV để sớm được điều trị theo phác đồ, nhằm giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. Từ đó, giảm các ảnh hưởng của dịch HIV/AIDS tới sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Theo https://tiengchuong.chinhphu.vn/