Đề án 06 – Bước đột phá trong chuyển đổi số tại Tuyên Quang

26/06/2024 - 10:22
396

Sau hơn 2 năm triển khai và 1 năm tích cực tháo gỡ các “điểm nghẽn”, Đề án 06 đã mang lại những hiệu quả thiết thực trong công tác quản lý, điều hành, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cung cấp nhiều tiện ích cho người dân và doanh nghiệp. Đây là tiền đề, động lực để Tuyên Quang tiếp tục cùng với cả nước triển khai hiệu quả Đề án 06, tạo chuyển biến tích cực trong thực hiện chuyển đổi số.

Kết quả đáng ghi nhận

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc thực hiện Đề án 06, thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và tổ chức triển khai nghiêm túc những yêu cầu, nội dung, nhiệm vụ của Đề án. Trong đó, xác định triển khai Đề án 06 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, được tiến hành thường xuyên, liên tục ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, trên cơ sở huy động sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp. Phải có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, xuyên suốt từ Trung ương tới cơ sở trong tổ chức thực hiện, đáp ứng yêu cầu gắn kết hiệu quả giữa Đề án 06 với cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và chuyển đổi số quốc gia. Từ đó, huy động được sự vào cuộc tích cực, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, tạo chuyển biến rõ nét từ nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, Nhân dân trong thực hiện.

Đoàn viên thanh niên phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng ứng dụng VNeID

Năm 2024, UBND tỉnh ưu tiên bố trí nguồn vốn hơn 34,9 tỷ đồng giao các cơ quan, đơn vị để triển khai Đề án 06 gắn với chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Để hoàn thiện thể chế, tỉnh tiếp tục tổ chức nghiên cứu cho ý kiến vào dự thảo các văn bản về phát triển, cung cấp ứng dụng, dịch vụ số liên quan đến thông tin dân cư, góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý, bảo đảm các bước đi của Đề án được thực hiện theo đúng quy định pháp luật; thực hiện rà soát 382 văn bản do HĐND, UBND tỉnh ban hành còn hiệu lực để đối chiếu, đánh giá các quy định liên quan đến Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG), CSDL của bộ, ngành, địa phương nhằm phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý các nội dung chưa phù hợp với thực tiễn, bảo đảm mục tiêu yêu cầu về xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia.

Đến nay, việc triển khai Đề án 06 trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng kể. Nổi bật là nhóm tiện ích giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến. Đến tháng 6/2024, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh cung cấp 1.843 TTHC phục vụ người dân và doanh nghiệp, trong đó có 1.088 thủ tục được cung cấp DVC toàn trình, 495 thủ tục cung cấp DVC một phần, 260 thủ tục là dịch vụ cung cấp thông tin trực tuyến; đã triển khai 25/25 DVC thiết yếu tại Đề án 06 và 13/21 DVC tại Quyết định 422 của Thủ tướng Chính phủ.

Một số dịch vụ công trong Đề án 06 được triển khai đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi, rút ngắn thời gian cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh như đăng ký thường trú, tạm trú, tạm vắng, lưu trú; cấp và cấp lại, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu; đăng ký, cấp biển số xe mô tô, xe gắn máy; cấp đổi giấy phép lái xe trực tuyến; thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Bệnh viện Y dược cổ truyền Tuyên Quang sử dụng CCCD gắn chíp thay thế thẻ BHYT trong khám chữa bệnh. 

Việc sử dụng CCCD gắn chip có tích hợp thông tin BHYT trong khám chữa bệnh là một bước tiến lớn trong cải cách TTHC. Đến nay, toàn tỉnh có 166/166 cơ sở khám chữa bệnh BHYT đã triển khai sử dụng CCCD gắn chip và VNeID với mức độ tra cứu thành công đạt gần 90%. Tỉnh cũng triển khai thực hiện nhiệm vụ thúc đẩy chi trả an sinh xã hội bằng hình thức không dùng tiền mặt trên trên nền tảng CSDLQG về dân cư. Đến tháng 6, toàn tỉnh có trên 28,4 nghìn người nhận trợ cấp không dùng tiền mặt, chiếm 61,42% tổng số đối tượng đang chi trả với số tiền trợ cấp gần 106 tỷ đồng.

Hiện nay, Tuyên Quang tích cực nỗ lực triển khai 30/42 mô hình điểm ứng dụng giải pháp từ CSDLQG về dân cư, CCCD gắn chip, tài khoản định danh điện tử (ĐDĐT) phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Cùng với đó, chú trọng đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ, đảm bảo an ninh an toàn; các cơ quan, đơn vị tăng cường công khai, minh bạch và phục vụ Nhân dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; duy trì dữ liệu trong hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư luôn "đúng, đủ, sạch, sống"; các cơ sở dữ liệu chuyên ngành được quan tâm, chú trọng "làm sạch" như lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Bảo hiểm, Tư pháp...

Những kết quả này cho thấy, việc chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ và ngày càng có đóng góp tích cực nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, giải quyết tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Khơi thông “điểm nghẽn” trong thực hiện

Nhận diện còn nhiều khó khăn, thách thức và "điểm nghẽn" trong quá trình triển khai Đề án 06, cách đây hơn 01 năm, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 452/TTg-KSTT ngày 23/5/2023 chỉ đạo các giải pháp tháo gỡ “điểm nghẽn” liên quan đến pháp lý, hạ tầng công nghệ, dữ liệu, an ninh, an toàn, nguồn nhân lực...

Giải quyết “điểm nghẽn” về pháp lý, trong thời gian tới, Tuyên Quang xác định sẽ tiếp tục ban hành các quyết định công bố kịp thời danh mục TTHC, quy trình nội bộ, liên thông TTHC theo quyết định công bố TTHC của Bộ, ngành Trung ương; đồng thời hoàn thiện quy trình điện tử, tái cấu trúc quy trình TTHC để cung cấp, thực hiện DVC theo quy định, bảo đảm cắt giảm tối đa giấy tờ, thời gian đi lại và chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp. 

Thực hiện xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử trong nội bộ các cơ quan, đơn vị, địa phương để chấm dứt tình trạng bộ phận một cửa các cấp nhận hồ sơ giấy không số hóa và mang vào các cơ quan, đơn vị để giải quyết theo phương thức thủ công truyền thống.

Cán bộ Trung tâm Hành chính công tỉnh hướng dẫn người dân kê khai hồ sơ qua hệ thống website

Về hạ tầng công nghệ thông tin, tỉnh đảm bảo về hạ tầng kết nối kỹ thuật SSO VNeID cho phép công dân đăng nhập bằng tài khoản ĐDĐT thực hiện các TTHC trên môi trường điện tử; hạ tầng thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh với Cơ sở dữ liệu Thuế và cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến các TTHC về đất đai cho doanh nghiệp; thực hiện kết nối tích hợp các hệ thống thông tin với Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh tỉnh Tuyên Quang (IOC) và hệ thống CSDLQG về dân cư phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo tỉnh. 

Bên cạnh đó, để tiếp tục thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh đảm bảo thực chất, hiệu quả và bền vững, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh sẽ tăng cường công tác phối hợp để tập trung triển khai 42 mô hình, giải pháp từ ứng dụng CSDLQG về dân cư, tài khoản ĐDĐT, thẻ CCCD; cung cấp các tiện ích cho người dân trên ứng dụng VNeID, đặc biệt là quản lý xã hội như: Tố giác tội phạm, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông; các dịch vụ ngân hàng, mua sắm, thanh toán, tiện ích cho đối tượng yếu thế...

Dù vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức phía trước, nhưng với những kết quả quan trọng gặt hái được trong thời gian qua sẽ giúp tạo động lực, niềm tin để các cấp, ngành từ Trung ương tới địa phương, trong đó có Tuyên Quang tiếp tục triển khai đảm bảo hoàn thành mục tiêu, lộ trình của Đề án 06, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp.

Theo Cổng Thông tin điện tử tỉnh

bình luận

Tìm kiếm

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP SỞ NGOẠI VỤ TỈNH TUYÊN QUANG
Giấy phép hoạt động số: 81/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tuyên Quang cấp ngày 16/8/2024

Chịu trách nhiệm chính: Bà Vũ Thị Minh Hạnh - Giám đốc Sở Ngoại Vụ tỉnh Tuyên Quang

Cơ quan chủ quản: Sở Ngoại vụ tỉnh Tuyên Quang

Địa chỉ: Số 04, Đường Chiến thắng sông Lô, phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang

Điện thoại: (0207) 3 817 133 | Fax: (0207) 3 817 133 | Email: songoaivu@tuyenquang.gov.vn
Bản quyền nội dung thuộc Sở Ngoại vụ Tuyên Quang. Sử dụng thông tin của Webstie này phải ghi rõ nguồn

Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1