Hội nghị diễn ra dưới sự chủ trì của các đồng chí: Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo; Thượng tướng Bế Xuân Trường, Chủ tịch Hội cựu Chiến binh Việt Nam; Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà và các đồng chí Chủ trì Hội nghị
Dự Hội nghị còn có thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ; đại diện một số cơ quan của Đảng, Quốc hội; đại diện lãnh đạo, công chức một số ban của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam; đại diện lãnh đạo đơn vị phụ trách cải cách hành chính và công chức làm công tác cải cách hành chính các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; đại diện lãnh đạo Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam; đại diện lãnh đạo, công chức các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ.
Về phía các địa phương có: lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh; lãnh đạo Sở Nội vụ và Trưởng phòng/đơn vị phụ trách cải cách hành chính Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ phát biểu khai mạc Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, năm 2023, với phương châm “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Với sự vào cuộc mạnh mẽ, nỗ lực, quyết tâm của các Bộ, ngành, địa phương, công tác cải cách hành chính đã có những chuyển biến tích cực và đạt được kết quả khá toàn diện, tiếp tục đóng góp quan trọng vào những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân theo chủ trương, đường lối của Đảng.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, năm 2023 là năm thứ 12 liên tiếp, Bộ Nội vụ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan triển khai xác định, công bố Chỉ số cải cách hành chính của các Bộ, các tỉnh; là năm thứ 7 triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính tại tất cả 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Quá trình triển khai nghiêm túc, khoa học, dân chủ, có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là sự phối hợp, hỗ trợ của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam trong tổ chức triển khai điều tra xã hội học, quy mô lớn với gần 90.000 mẫu, để lấy ý kiến đánh giá của công chức, người dân về kết quả cải cách hành chính của các bộ, các tỉnh; đồng thời, để đo lường mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước; đến nay, Bộ Nội vụ đã hoàn thành kế hoạch xác định các chỉ số và đã phê duyệt Báo cáo Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023 và Báo cáo Chỉ số cải cách hành chính năm 2023.
Nhằm thông tin kịp thời kết quả các Chỉ số tới các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan thông tấn, báo chí, tới người dân, tổ chức, doanh nghiệp và xã hội, đồng thời, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa cải cách hành chính của các Bộ, ngành, địa phương trong thời gian tới; được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Ban Chỉ đạo, hôm nay Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị công bố kết quả Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023 và kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) Phạm Minh Hùng công bố kết quả các Chỉ số
Báo cáo kết quả các Chỉ số tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính Phạm Minh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ cho biết, người dân hài lòng đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước nói chung trong cả nước năm 2023 (SIPAS 2023) ở mức 82,66%, tăng so với năm 2022 (80,08%). Mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước ở 63 tỉnh, thành phố nằm trong khoảng 75,03% - 90,61%. 05 tỉnh, thành phố nhận được mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước nói chung cao nhất là: Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hải Dương, Hà Tĩnh và Hải Phòng; 05 tỉnh, thành phố thấp nhất là: Bắc Kạn, Bình Phước, Cao Bằng, Bắc Ninh và Quảng Nam.
Năm 2023, mức độ mong đợi của người dân đối với 10 nội dung cần cải thiện nằm trong khoảng từ 83,44% - 85,12%, trong đó 03 nội dung người dân mong đợi chính quyền cải thiện nhiều nhất là: Nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết công việc cho người dân, với mức 85,12%; tiếp đến là nâng cao chất lượng tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, với mức 85,11 % và nâng cao năng lực của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết công việc cho người dân, với mức 85,03%.
Trong những năm qua, Chỉ số hài lòng của người dân đã mang lại những kết quả, tác động tích cực đối với cả cơ quan hành chính nhà nước và người dân. SIPAS đã và đang thúc đẩy cơ quan hành chính nhà nước ngày càng nỗ lực, quyết tâm cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, nâng cao sự hài lòng của người dân và cung cấp cơ sở để cơ quan hành chính nhà nước xác định, thực hiện các giải pháp phù hợp, hiệu quả hơn để thực hiện mục tiêu đặt ra. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đang dần thay đổi nhận thức, tư duy, hành động theo hướng quan tâm, vì lợi ích, vì sự hài lòng của người dân và đáp ứng nhu cầu, mong đợi của người dân. Người dân, xã hội đang dần quan tâm, ủng hộ, giám sát, phản hồi ý kiến tích cực hơn đối với các cơ quan hành chính nhà nước để cùng xây dựng một nền hành chính phục vụ, lấy người dân làm trung tâm, mang lại sự hài lòng cho người dân.
Kết quả Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS năm 2023)
Về Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, có 02 nhóm điểm:
Đạt kết quả Chỉ số CCHC trên 80%, bao gồm 14 đơn vị: Bộ Tư pháp; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ Tài chính; Bộ Nội vụ; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Xây dựng; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Đạt kết quả Chỉ số CCHC dưới 80% có 03 đơn vị là: Bộ Y tế; Bộ Ngoại giao và Bộ Công Thương.
Giá trị trung bình Chỉ số CCHC của 17 Bộ, cơ quan ngang Bộ năm 2023 là 84.38%, tăng 0.33% so với năm 2022. 10/17 Bộ có Chỉ số CCHC năm 2023 trên mức giá trị trung bình. Bộ Tư pháp dẫn đầu bảng Chỉ số CCHC năm 2023, đạt 89.95%. Bộ Công Thương đứng cuối bảng xếp hạng với kết quả Chỉ số CCHC năm 2023 đạt 78.03%, thấp hơn 11.92% so với đơn vị dẫn đầu là Bộ Tư pháp. Có 10/17 đơn vị có Chỉ số CCHC tăng cao hơn so với năm 2022, tăng cao nhất là Bộ Ngoại giao (+5.83%). Trong 07 Bộ có kết quả Chỉ số CCHC giảm hơn so với năm 2022, giảm nhiều nhất là Bộ Kế hoạch và Đầu tư (-5.31%). Một số đơn vị khác có giá trị Chỉ số CCHC giảm dưới 1%, như: Bộ Tài chính (-0.58%); Bộ Xây dựng (-0.01%).
Kết quả xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2023 các tỉnh, thành phố được phân theo 02 nhóm:
Nhóm A, đạt kết quả Chỉ số từ 90% trở lên, có 07 tỉnh, thành phố.
Nhóm B, đạt kết quả Chỉ số từ 80% - dưới 90%, có 56 tỉnh, thành phố.
Theo đánh giá, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số CCHC với kết quả đạt 92.18%; từ năm 2012 đến nay, Quảng Ninh có 6 lần đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số CCHC cả nước. Xếp vị trí thứ 2/63 là TP. Hải Phòng, đạt 91.87% và là năm thứ 4 liên tiếp, Hải Phòng đạt kết quả Chỉ số >90%. Một số địa phương khác cũng đã thể hiện sự tiến bộ vượt trội và đạt kết quả rất tích cực trong công tác CCHC, như: TP. Hà Nội, đạt 91.43%, xếp thứ 3/63; tỉnh Bắc Giang đạt 91.16%, xếp thứ 4/63 và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đạt 91.03%, xếp thứ 5/63.
Đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2023 là tỉnh An Giang, đạt 81.32%. Qua đánh giá, năm 2023 tỉnh An Giang đã có nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh CCHC, một số nội dung cho kết quả khá tích cực như cải cách thể chế, sắp xếp tổ chức bộ máy nhưng một số nội dung cải cách còn bộc lộ nhiều hạn chế, như: Chậm công bố, công khai TTHC; kỷ luật, kỷ cương hành chính một số nơi chưa nghiêm; còn khá nhiều nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong năm 2023 nhưng tỉnh An Giang chưa hoàn thành hoặc hoàn thành muộn so với quy định,... Ngoài ra, một số địa phương khác cũng có kết quả Chỉ số CCHC năm 2023 khá thấp là Sóc Trăng, đạt 81.70%, xếp thứ 62/63; Bình Thuận, đạt 81.87%, xếp vị trí thứ 61/63.
Tại Hội nghị các đại biểu đã được nghe một số báo cáo tham luận, làm rõ kết quả nổi bật trong cải cách hành chính năm 2023 tại Bộ, ngành, địa phương để minh chứng, làm sâu sắc thêm kết quả đánh giá của Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính và Chỉ số cải cách hành chính năm 2023.
Các đại biểu tham luận tại Hội nghị
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Thượng tướng Bế Xuân Trường, Chủ tịch Hội cựu Chiến binh Việt Nam phát biểu tại Hội nghị
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa phát biểu tại Hội nghị
Tổng Giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam Chu Quang Hào phát biểu tại Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị
http://caicachhanhchinh.gov.vn/