Năm 2020 đã đi được hơn một nửa chặng đường, chỉ với chín tháng càn quét địa cầu, “cơn bão” Covid-19 đã khiến thế giới thay đổi quá nhiều, mối đe dọa từ kẻ thù gần như vô hình khiến việc di chuyển giữa các quốc gia trở nên khó khăn hơn bao giờ kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Hàng triệu cho đến hàng chục triệu người di cư vì các mục đích ngắn hạn như lao động, học tập, du lịch, công tác ngắn hạn đã bị mắc kẹt và không thể trở về nước.
Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Hà Kim Ngọc ra tiễn các du học sinh, sinh viên lên máy bay về nước.
Thách thức muôn trùng
Dịch bệnh bùng phát ở quy mô lớn khiến công tác đối ngoại, chính sách đi lại của Việt Nam cần được điều chỉnh cho phù hợp với diễn biến dịch, Cục Lãnh sự phải nghiên cứu, nắm tình hình, phối hợp với các Vụ khu vực để đề xuất chính sách nhập cảnh sao cho hài hòa, tránh ảnh hưởng đến quan hệ chính trị với từng nước đối tác.
Thời điểm đó, tất cả các đơn vị trong Cục Lãnh sự đều được đặt ở chế độ “trực chiến”, các phòng làm việc luôn có cán bộ túc trực gần như 24/24 giờ, ban ngày thì theo dõi thông tin trong nước và các nước trong khu vực, tham gia Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 ở các cấp, đến đêm thì kết nối, trao đổi với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở châu Âu, châu Mỹ để nắm tình hình, các chính sách của sở tại, cập nhật số lượng công dân Việt Nam ở nước ngoài cần trợ giúp, bị mắc kẹt ở các sân bay…
Thực tiễn triển khai công tác bảo hộ công dân Việt Nam trong “thời Covid-19” gặp phải những khó khăn không nhỏ do: Thứ nhất, đây là cuộc khủng hoảng ở quy mô toàn cầu, lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, nhân loại đối mặt với một thách thức như vậy, khó xác định khu vực an toàn vì mối đe dọa từ dịch bệnh khiến nơi nào cũng có thể nhanh chóng trở thành khu vực nguy hiểm, tình hình chống dịch Covid-19 ở trong nước cũng có nhiều khó khăn, phức tạp.
Thứ hai, chính sách nhập cảnh phong tỏa, hạn chế đi lại, hạn chế đường bay thương mại của các nước thay đổi từng ngày, có khi từng giờ dựa trên diễn biến dịch. Do đó, các cảnh báo đi lại, các chính sách bảo hộ, hỗ trợ công dân của Việt Nam khó theo kịp. Không ít công dân ta bị mắc kẹt tại các sân bay quốc tế trên đường di chuyển về nước vì lý do này.
Thứ ba, biện pháp xử lý khủng hoảng thông thường và dễ gặp nhất là sơ tán công dân từ khu vực khủng hoảng đến khu vực an toàn lại trở thành biện pháp rủi ro, vì việc di chuyển xa bằng các phương tiện như máy bay, tàu biển khiến tình trạng lây nhiễm chéo càng dễ xảy ra. Trên thực tế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo và nhiều nước đã áp dụng chính sách hạn chế đi lại, giãn cách xã hội, khuyến khích tự cách ly để phòng bệnh, thay vì liên tục di chuyển tìm khu vực an toàn.
Thứ tư, mục đích của phòng dịch là đảm bảo an toàn cho cộng đồng, do vậy, các nguồn lây nhiễm từ bên ngoài, trong đó có công dân từ nước ngoài nhập cảnh, cần được ngăn chặn, cách ly kịp thời. Như vậy, công tác bảo hộ công dân, đưa công dân về nước phụ thuộc rất lớn vào diễn biến phòng dịch trong nước cũng như khả năng cách ly, điều trị của Việt Nam.
Vì thế, công tác bảo hộ công dân của Cục Lãnh sự và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong bối cảnh này cùng lúc hướng tới nhiều mục tiêu, vừa đảm bảo công dân Việt Nam ở nước ngoài ổn định về tâm lý, tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh ở sở tại; cung cấp, hỗ trợ công dân thông tin dịch tễ, cách phòng tránh phơi nhiễm, cách nhận biết các biểu hiện bệnh lý, nâng cao sức đề kháng trước dịch bệnh; đồng thời tìm các biện pháp đưa những công dân có nhu cầu, những người đang bị mắc kẹt ở nước ngoài về nước.
Đại sứ Việt Nam tại Thụy Điển Phan Đăng Dương ra sân bay tiễn công dân Việt Nam.
Những chuyến bay nghĩa tình
Chỉ trong thời gian ngắn, với sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Ngoại giao và các Cơ quan y tế, cách ly, quản lý nhập cảnh và đặc biệt là các hãng hàng không của Việt Nam, chúng ta đã tổ chức được những chuyến bay “có một không hai” để đưa công dân về nước.
Đầu tiên là chuyến bay vào tâm dịch Vũ Hán về nước an toàn, sau đó là những chuyến bay thẳng lịch sử đến Mỹ của Vietnam Airlines vào tháng 5/2020, nối Washington D.C. và Hà Nội với thời gian bay lên tới gần 24 giờ cho mỗi chặng. Và gần đây nhất là chuyến bay đầy rủi ro tới châu Phi xa xôi, đưa 129 lao động, trong đó có hơn một nửa được xác định nhiễm virus SARS-CoV-2 từ Guinea Xích đạo. Những chuyến bay này không chỉ thể hiện trách nhiệm cao cả của Nhà nước Việt Nam mà còn thể hiện tình đồng bào, sự đoàn kết, gắn bó của người Việt trong và ngoài nước.
Đội ngũ cán bộ Cục Lãnh sự và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã cố gắng, tận tâm và nỗ lực hết sức mình. Việc tổ chức một chuyến bay ra nước ngoài trong tình hình hiện nay đòi hỏi sự vào cuộc đồng thời từ hầu hết các cơ quan liên quan. Với cả núi công việc trên, khó khăn có thể phát sinh từ bất kỳ khâu nào, từ việc những người dân đòi hỏi được về nước gấp mà ta chưa thể đáp ứng, cán bộ lãnh sự phải thuyết phục họ tuân thủ quy định về phòng dịch trong thời gian chờ sắp xếp chuyến bay, cho đến việc hỗ trợ cho công dân, đặc biệt là học sinh dưới 18 tuổi, người già, người có bệnh lý nền gặp khó khăn khi di chuyển, không thể tự thu xếp chỗ ở.
Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt từ Bộ Ngoại giao, sự năng động của các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và sự nhiệt tình, trách nhiệm của toàn bộ cán bộ lãnh sự trong và ngoài nước, các chuyến bay đã được lên kế hoạch và triển khai, đưa hàng chục ngàn công dân Việt Nam từ các vùng dịch về nước an toàn.
Thời gian tới, song song với việc tổ chức tốt các chuyến bay của Việt Nam đưa công dân về nước, Cục Lãnh sự sẽ nghiên cứu các mô hình hiệu quả khác để đón công dân trở về như thuê chuyến bay của nước ngoài, đón công dân từ điểm trung chuyển, tổ chức các chuyến bay liên danh (chuyến bay codeshare),… trên tinh thần đảm bảo kiểm soát dịch bệnh ở trong nước và khả năng đáp ứng về cách ly tập trung tại các địa phương.
Chuyến bay đưa 129 lao động, trong đó có hơn một nửa được xác định nhiễm virus SARS-CoV-2 từ Guinea Xích đạo về nước
Chỗ dựa tin cậy
Như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: “Cuộc chiến chống Covid-19 còn rất dài”, Cục Lãnh sự cùng với các Cơ quan đại diện luôn sẵn sàng cho những thử thách phía trước. Được đứng trong hàng ngũ những chiến sỹ trên mặt trận ngoại giao, góp phần bảo vệ cho sự an toàn của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, chúng tôi luôn cảm thấy tự hào và cống hiến với tinh thần trách nhiệm, sự chuyên nghiệp cao nhất, với mục tiêu hướng tới là giúp đỡ, hỗ trợ cho từng công dân Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu.
Cục Lãnh sự xác định xây dựng công tác bảo hộ công dân xứng đáng là chỗ dựa tin cậy cho người Việt khi ra nước ngoài, đặc biệt là trong tình huống khủng hoảng, là cầu nối để công dân Việt Nam ở nước ngoài hướng về quê hương, đất nước. Dù công tác lãnh sự nói chung và công tác bảo hộ công dân nói riêng còn nhiều khó khăn, thách thức, chế độ đãi ngộ của cán bộ lãnh sự còn bị hạn chế nhưng đội ngũ cán bộ lãnh sự luôn giữ vững nhiệt huyết với công việc, tận tâm với nhiệm vụ đối ngoại của Đảng, Nhà nước, phục vụ nhân dân.
Không chỉ mang trọng trách bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài, Cục Lãnh sự còn được tin tưởng giao nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu cho Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Chính phủ về các biện pháp khôi phục sản xuất, trong đó có việc nới lỏng hạn chế đi lại đối với nhà đầu tư, chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam, đảm bảo thực hiện mục tiêu kép, vừa kiềm chế thành công dịch bệnh Covid-19, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vào đầu năm 2021.